3 ngân hàng lên kế hoạch mua công ty chứng khoán
Tại ĐHCĐ thường niên 2025 mới đây, cả Sacombank, MSB và SeABank đều lên kế hoạch mua lại một công ty chứng khoán để mở rộng hoạt động

Quang Vinh
Ngay trước thềm đại hội cổ đông, Sacombank đã bổ sung tờ trình xin cổ đông phê duyệt chủ trương chi tối đa 1.500 tỷ đồng để nắm quyền chi phối tại một công ty chứng khoán. Theo CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm, đây là bước đi chiến lược nhằm đón đầu xu hướng tích hợp hoạt động ngân hàng đầu tư – mô hình mà nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai và ghi nhận hiệu quả tích cực. Việc đầu tư này được kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ cho ngân hàng.
Thực tế Sacombank đang là cổ đông lớn nhất tại CTCP Chứng khoán SBS với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%. Công ty chứng khoán này từng là thành viên trong hệ sinh thái của Sacombank những năm 2006. Hiện SBS có vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng và vốn hoá thị trường khoảng 700 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo Sacombank, hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu thế tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hệ thống ngân hàng toàn cầu và Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm tài chính toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cao cấp, một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả thông qua việc sở hữu các công ty chứng khoán.
Với định hướng chiến lược phát triển quản lý tài sản (Wealth Management) cho khách hàng của mình, MSB cũng có kế hoạch góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Theo CEO Nguyễn Hoàng Linh, MSB có kế hoạch và đã xúc tiến với một số công ty chứng khoán. Định hướng này nhằm phát triển mảng thu phí khách hàng cá nhân.
“Chúng tôi mong muốn tiếp cận với các công ty có bảng tài sản sạch sẽ, có mức vốn điều lệ từ 300 - 500 tỷ đồng, sau đó ngân hàng sẽ có lộ trình tăng vốn và hỗ trợ cho mảng hoạt động quản lý tài sản của MSB”, ông Linh nói.
MSB trước đây từng có nhiều mối liên hệ với Công ty chứng khoán MSBS (sau này là MSI). Tuy nhiên năm 2017 Tập đoàn KB của Hàn Quốc đã mua lại 99% cổ phần của MSI và đổi tên thành KB Securities Việt Nam.
Tương tự cổ đông của SeABank cũng thông qua đề án mua Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (ASEAN SC) trở thành công ty con của ngân hàng. Điều này tạo cơ hội cho ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và hệ thống phân phối, đẩy mạnh bán chéo, phát triển hoạt động đầu tư.